Bài toán nhà ở cho công nhân hậu COVID-19: Bỏ về quê, kiệt sức vì thuê trọ
Mục Lục
Ngày 1/10 vừa qua, người lao động tại các khu công nghiệp (KCN) bỏ việc, ùn ùn kéo nhau về quê. Lý do là sau hơn 4 tháng đóng cửa vì dịch bệnh, họ đã không còn tiền thuê nhà. Cũng từ đây, bài toán nhà ở cho công nhân tại các KCN một lần nữa lại nóng lên hơn bao giờ hết.
LTS: Điều 6, Nghị định 100/2015/ND-CP từng nêu rõ các KCN khi xây dựng phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội dành cho công nhân làm việc tại các KCN ở. Thế nhưng thực tế thì rất ít, rất hiếm đơn vị thực hiện. Thay vào đó, quỹ đất này bị doanh nghiệp bán cho các chủ đầu tư phát triền bất động sản làm dự án thương mại. Điều này tạo ra một hệ lụy, đó là hiện nay các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN không có, người lao động phải sống ở các khu nhà trọ không đảm bảo chất lượng sống.
Giấc mơ ngôi nhà của công nhân
Theo báo cáo từ Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), năm 2020, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu lao động tại các KCN có nhu cầu nhà ở. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm 50% số lượng công nhân có nhu cầu nhà ở, dẫn đầu là Bình Dương sau đó đến TP.HCM, Đồng Nai và Long An.
Trong đó, hiện nay TP.HCM mới chỉ có 34 dự án hoàn thành gồm 5.700 căn hộ, 15 dự án khác chưa triển khai với khoảng 17.200 căn hộ. Đối với Đồng Nai có 1 dự án hoàn thành gồm 146 căn hộ và 13 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư với 64,35 ha đất. Bình Dương có 5 dự án hoàn thành với 3.430 căn hộ, còn 5 dự án chưa triển khai. Riêng Long An, số liệu cho thấy với hơn 40 khu, cụm công nghiệp nhưng chưa có dự án nào triển khai.
Có mặt tại Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM, đây là nền móng đầu tiên của các KCN tại Việt Nam, được hình thành từ năm 1991, với diện tích hơn 300 ha. Hiện nay, Khu Chế xuất đang có 250 công ty với khoảng 60.000 người lao động. Thế nhưng, vào ngày 1/10, khi TP.HCM cho phép mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhiều nhà máy tại đây được hoạt động trở lại, nhưng không còn cảnh người lao động rầm rộ tới nhà máy sản xuất.
Anh Võ Tuấn, một công nhân may tại nhà máy sản xuất giầy da tại KCN này cho biết làm việc tại đây cũng đã 13 năm, khi đó công ty có vốn của Đài Loan mới về đây sản xuất và hiện đã có vợ và 2 con đi học cấp 1. Thế nhưng, ngày 8/10, anh Tuấn lại quyết định cùng gia đình rời bỏ công việc, bỏ Sài Gòn để cùng vợ và hai con về quê tại tỉnh Cà Mau.
“13 năm làm việc ở Sài Gòn là 13 năm tôi phải sống thuê nhà. Từ ngày 14/7, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhà máy và toàn Khu chế xuất dừng hoạt động. Chúng tôi không có thu nhập, số tiền tích cóp đã chi tiêu gần hết, đặc biệt là gánh nặng tiền thuê nhà trọ làm chúng tôi nhận ra rằng không thể sống ở Sài Gòn được nữa bởi các cụ nói có an cư mới lập nghiệp được”, anh Tuấn cho biết.
Theo anh Tuấn, 13 năm lập nghiệp phải ở nhà thuê, tiền lương hai vợ chồng chỉ khoảng 20 triệu/tháng, trong đó tiền nhà thuê là hơn 3 triệu, tiền sinh hoạt, hoc hành của con cũng ngốn gần như toàn bộ thu nhập. “Qua đợt dịch này, tôi nhận thấy rằng có ở đây làm việc tới hết đời cũng không thể có nhà ở, dù trước đó phía công đoàn công ty và cả lãnh đạo TP.HCM nói sẽ xây dựng nhà giá rẻ cho công nhân nhưng tới nay thì giấc mơ an cư từ nhà giá rẻ đó cũng mịt mù. Thôi đành về quê, làm ruộng, làm vườn”, anh Tuấn buồn bã.
Cũng quyết định bỏ việc về quê dù năm 2010, khi quyết định khăn gói từ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp với quyết tâm lấy vợ, mua nhà và ở hẳn nơi đây. Thế nhưng, ngày 2/10, anh Ngô Văn Tú lại đăng ký cùng vợ đang mang bầu sắp sinh về lại quê hương và bỏ ý định ở lại Bình Dương.
Anh Tú kể, anh làm việc ở nhà máy sản xuất điện tại Khu công nghiệp Bầu Bàng tỉnh Bình Dương, 5 năm đầu anh tích cóp được hơn 100 triệu, sau đó năm 2016 anh lấy vợ. Hai vợ chồng cùng quê Thanh Hóa, quyết định sẽ cố gắng làm việc, tích cóp để mua được đất xây nhà lập nghiệp tại Bình Dương. Để thực hiện quyết tâm, vợ chồng anh Tú không sinh con, để dành tiền mua nhà xong mới sinh con vì trước đó có nhiều thông tin nói rằng ở Bình Dương sẽ xây nhà giá rẻ cho công nhân mua.
“Tôi đã đã tích cóp được hơn 300 triệu, đã hơn 30 tuổi rồi nên quyết định sinh con, trong khi các dự án nhà ở cho công nhân vẫn không thấy xuất hiện. Hai vợ chồng tôi quyết định về quê lập nghiệp, đành bỏ giấc mơ mua nhà, lập nghiệp ở mảnh đất Bình Dương này”, anh Tú cho biết.
Cũng theo anh Tú, giá đất tại Bình Dương ngày một tăng cao, mà trước đó khi làm việc tại đây anh đã biết KCN này có quỹ đất xây nhà giá rẻ cho công nhân nên cố làm để có thể mua được nhà ở đây. Thế nhưng năm 2019 quỹ đất này lại thành dự án nhà ở thương mại với giá bán lên tới gần 20 triệu/m2. Từ đó, anh Tú hết hy vọng để an tâm sống, làm việc tại Bình Dương.
Không giống như anh Tú, anh Tuấn bỏ về quê, anh Nguyễn Thanh Thắng, hiện đang làm công nhân tại KCN Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vẫn bám trụ tại đây để đi làm trở lại. Trong căn nhà trọ 10m2, hai vợ chồng cùng 1 đứa con đang học lớp 8 sinh sống. Quê tại Sóc Trăng, nhà đông anh em đất đai không có nên anh Thắng quyết định bỏ quê lên đây làm công nhân. Thế nhưng, 20 năm làm công nhân, đã có vợ và con cũng như có mong ước mua nhà ở nhưng đến nay giấc mơ an cư vẫn dở dang.
“Tôi cũng muốn bỏ về quê, nhưng về quê không có đất, không có nhà, không ruộng vườn nên đành chấp nhận ở lại làm việc chứ 4 tháng dịch cả nhà sống chật vật và nhận ra có làm bao nhiêu năm nữa thì cũng không thể lập nghiệp được ở đất này. Căn nhà trọ ở hiện nay 1 tháng gần 2 triệu, trên gác là chỗ ngủ của cả nhà, dưới đất là chỗ sinh hoạt của cả gia đình, trong đó có cả khu vệ sinh. Mùa nắng thì nóng, mưa thì ngập”, anh Thắng cay đắng.
Nhà ở cho công nhân có nhưng đang “trên giấy”
Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ 2011 – 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ, nhưng trên cả nước mới hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn.
Hiện cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Riêng nhà ở cho công nhân KCN, đến nay, cả nước có 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Thực tế, hầu hết các KCN đều không dành quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân. Trong đó, ông Trần Trọng Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP may Thanh Bình tại Bình Dương cho biết, tháng 7/2021, khi dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo tỉnh tiến hành chủ trương thực hiện sản xuất 3 tại chỗ thì các doanh nghiệp không có chỗ cho công nhân ở lại. Đa số đơn vị phải đóng cửa, giảm công suất ít nhiều liên quan đến thực trạng này.
“Trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân được coi là lực lượng tiên phong. Ngay cả thời kỳ kinh tế sản xuất là mũi nhọn phát triển của đất nước thì công nhân vẫn là giai cấp quan trọng trong thời kỳ này. Thế nhưng, tới nay lại chịu thiệt thòi vô cùng, đặc biệt là câu chuyện chỗ ăn, ở của công nhân hiện không được chú trọng.
Tôi được biết, các KCN khi thành lập luôn phải có quỹ đất dành cho việc xây nhà ở cho công nhân, vậy nhưng hiện nay hầu như các KCN lại không hề có dự án nào mang tên nhà ở cho công nhân. Đây là một điều hết sức vô lý và bất cập, cần được nhìn nhận lại”, ông Hùng nói.
Trước câu hỏi của ông Hùng, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, trước đây, Nghị định 100/2015/CP/ND có quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Đơn cử như TP.HCM không có dự án dưới 10 ha dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, còn Hà Nội chỉ có 8/124 dự án thực hiện quy định này.
Điều này dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I). Cùng đó, hiện tượng chủ đầu tư chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để “né” việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
“Tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 49 để thay thế cho Nghị định 100 trước đó đã phần nào hóa giải tình trạng chủ đầu tư “né” việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên hệ quả từ việc chủ đầu tư chọn nộp tiền thay cho việc để dành 20% quỹ đất vẫn chưa thể khắc phục ngay”, luật sư Phượng nói.
Bài toán nhà ở cho công nhân hậu COVID-19: Bỏ về quê, kiệt sức vì thuê trọ
Mục Lục
Ngày 1/10 vừa qua, người lao động tại các khu công nghiệp (KCN) bỏ việc, ùn ùn kéo nhau về quê. Lý do là sau hơn 4 tháng đóng cửa vì dịch bệnh, họ đã không còn tiền thuê nhà. Cũng từ đây, bài toán nhà ở cho công nhân tại các KCN một lần nữa lại nóng lên hơn bao giờ hết.
LTS: Điều 6, Nghị định 100/2015/ND-CP từng nêu rõ các KCN khi xây dựng phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội dành cho công nhân làm việc tại các KCN ở. Thế nhưng thực tế thì rất ít, rất hiếm đơn vị thực hiện. Thay vào đó, quỹ đất này bị doanh nghiệp bán cho các chủ đầu tư phát triền bất động sản làm dự án thương mại. Điều này tạo ra một hệ lụy, đó là hiện nay các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN không có, người lao động phải sống ở các khu nhà trọ không đảm bảo chất lượng sống.
Giấc mơ ngôi nhà của công nhân
Theo báo cáo từ Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), năm 2020, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu lao động tại các KCN có nhu cầu nhà ở. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm 50% số lượng công nhân có nhu cầu nhà ở, dẫn đầu là Bình Dương sau đó đến TP.HCM, Đồng Nai và Long An.
Trong đó, hiện nay TP.HCM mới chỉ có 34 dự án hoàn thành gồm 5.700 căn hộ, 15 dự án khác chưa triển khai với khoảng 17.200 căn hộ. Đối với Đồng Nai có 1 dự án hoàn thành gồm 146 căn hộ và 13 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư với 64,35 ha đất. Bình Dương có 5 dự án hoàn thành với 3.430 căn hộ, còn 5 dự án chưa triển khai. Riêng Long An, số liệu cho thấy với hơn 40 khu, cụm công nghiệp nhưng chưa có dự án nào triển khai.
Có mặt tại Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM, đây là nền móng đầu tiên của các KCN tại Việt Nam, được hình thành từ năm 1991, với diện tích hơn 300 ha. Hiện nay, Khu Chế xuất đang có 250 công ty với khoảng 60.000 người lao động. Thế nhưng, vào ngày 1/10, khi TP.HCM cho phép mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhiều nhà máy tại đây được hoạt động trở lại, nhưng không còn cảnh người lao động rầm rộ tới nhà máy sản xuất.
Anh Võ Tuấn, một công nhân may tại nhà máy sản xuất giầy da tại KCN này cho biết làm việc tại đây cũng đã 13 năm, khi đó công ty có vốn của Đài Loan mới về đây sản xuất và hiện đã có vợ và 2 con đi học cấp 1. Thế nhưng, ngày 8/10, anh Tuấn lại quyết định cùng gia đình rời bỏ công việc, bỏ Sài Gòn để cùng vợ và hai con về quê tại tỉnh Cà Mau.
“13 năm làm việc ở Sài Gòn là 13 năm tôi phải sống thuê nhà. Từ ngày 14/7, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhà máy và toàn Khu chế xuất dừng hoạt động. Chúng tôi không có thu nhập, số tiền tích cóp đã chi tiêu gần hết, đặc biệt là gánh nặng tiền thuê nhà trọ làm chúng tôi nhận ra rằng không thể sống ở Sài Gòn được nữa bởi các cụ nói có an cư mới lập nghiệp được”, anh Tuấn cho biết.
Theo anh Tuấn, 13 năm lập nghiệp phải ở nhà thuê, tiền lương hai vợ chồng chỉ khoảng 20 triệu/tháng, trong đó tiền nhà thuê là hơn 3 triệu, tiền sinh hoạt, hoc hành của con cũng ngốn gần như toàn bộ thu nhập. “Qua đợt dịch này, tôi nhận thấy rằng có ở đây làm việc tới hết đời cũng không thể có nhà ở, dù trước đó phía công đoàn công ty và cả lãnh đạo TP.HCM nói sẽ xây dựng nhà giá rẻ cho công nhân nhưng tới nay thì giấc mơ an cư từ nhà giá rẻ đó cũng mịt mù. Thôi đành về quê, làm ruộng, làm vườn”, anh Tuấn buồn bã.
Cũng quyết định bỏ việc về quê dù năm 2010, khi quyết định khăn gói từ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp với quyết tâm lấy vợ, mua nhà và ở hẳn nơi đây. Thế nhưng, ngày 2/10, anh Ngô Văn Tú lại đăng ký cùng vợ đang mang bầu sắp sinh về lại quê hương và bỏ ý định ở lại Bình Dương.
Anh Tú kể, anh làm việc ở nhà máy sản xuất điện tại Khu công nghiệp Bầu Bàng tỉnh Bình Dương, 5 năm đầu anh tích cóp được hơn 100 triệu, sau đó năm 2016 anh lấy vợ. Hai vợ chồng cùng quê Thanh Hóa, quyết định sẽ cố gắng làm việc, tích cóp để mua được đất xây nhà lập nghiệp tại Bình Dương. Để thực hiện quyết tâm, vợ chồng anh Tú không sinh con, để dành tiền mua nhà xong mới sinh con vì trước đó có nhiều thông tin nói rằng ở Bình Dương sẽ xây nhà giá rẻ cho công nhân mua.
“Tôi đã đã tích cóp được hơn 300 triệu, đã hơn 30 tuổi rồi nên quyết định sinh con, trong khi các dự án nhà ở cho công nhân vẫn không thấy xuất hiện. Hai vợ chồng tôi quyết định về quê lập nghiệp, đành bỏ giấc mơ mua nhà, lập nghiệp ở mảnh đất Bình Dương này”, anh Tú cho biết.
Cũng theo anh Tú, giá đất tại Bình Dương ngày một tăng cao, mà trước đó khi làm việc tại đây anh đã biết KCN này có quỹ đất xây nhà giá rẻ cho công nhân nên cố làm để có thể mua được nhà ở đây. Thế nhưng năm 2019 quỹ đất này lại thành dự án nhà ở thương mại với giá bán lên tới gần 20 triệu/m2. Từ đó, anh Tú hết hy vọng để an tâm sống, làm việc tại Bình Dương.
Không giống như anh Tú, anh Tuấn bỏ về quê, anh Nguyễn Thanh Thắng, hiện đang làm công nhân tại KCN Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vẫn bám trụ tại đây để đi làm trở lại. Trong căn nhà trọ 10m2, hai vợ chồng cùng 1 đứa con đang học lớp 8 sinh sống. Quê tại Sóc Trăng, nhà đông anh em đất đai không có nên anh Thắng quyết định bỏ quê lên đây làm công nhân. Thế nhưng, 20 năm làm công nhân, đã có vợ và con cũng như có mong ước mua nhà ở nhưng đến nay giấc mơ an cư vẫn dở dang.
“Tôi cũng muốn bỏ về quê, nhưng về quê không có đất, không có nhà, không ruộng vườn nên đành chấp nhận ở lại làm việc chứ 4 tháng dịch cả nhà sống chật vật và nhận ra có làm bao nhiêu năm nữa thì cũng không thể lập nghiệp được ở đất này. Căn nhà trọ ở hiện nay 1 tháng gần 2 triệu, trên gác là chỗ ngủ của cả nhà, dưới đất là chỗ sinh hoạt của cả gia đình, trong đó có cả khu vệ sinh. Mùa nắng thì nóng, mưa thì ngập”, anh Thắng cay đắng.
Nhà ở cho công nhân có nhưng đang “trên giấy”
Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ 2011 – 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ, nhưng trên cả nước mới hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn.
Hiện cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Riêng nhà ở cho công nhân KCN, đến nay, cả nước có 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Thực tế, hầu hết các KCN đều không dành quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân. Trong đó, ông Trần Trọng Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP may Thanh Bình tại Bình Dương cho biết, tháng 7/2021, khi dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo tỉnh tiến hành chủ trương thực hiện sản xuất 3 tại chỗ thì các doanh nghiệp không có chỗ cho công nhân ở lại. Đa số đơn vị phải đóng cửa, giảm công suất ít nhiều liên quan đến thực trạng này.
“Trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân được coi là lực lượng tiên phong. Ngay cả thời kỳ kinh tế sản xuất là mũi nhọn phát triển của đất nước thì công nhân vẫn là giai cấp quan trọng trong thời kỳ này. Thế nhưng, tới nay lại chịu thiệt thòi vô cùng, đặc biệt là câu chuyện chỗ ăn, ở của công nhân hiện không được chú trọng.
Tôi được biết, các KCN khi thành lập luôn phải có quỹ đất dành cho việc xây nhà ở cho công nhân, vậy nhưng hiện nay hầu như các KCN lại không hề có dự án nào mang tên nhà ở cho công nhân. Đây là một điều hết sức vô lý và bất cập, cần được nhìn nhận lại”, ông Hùng nói.
Trước câu hỏi của ông Hùng, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, trước đây, Nghị định 100/2015/CP/ND có quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Đơn cử như TP.HCM không có dự án dưới 10 ha dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, còn Hà Nội chỉ có 8/124 dự án thực hiện quy định này.
Điều này dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I). Cùng đó, hiện tượng chủ đầu tư chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để “né” việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
“Tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 49 để thay thế cho Nghị định 100 trước đó đã phần nào hóa giải tình trạng chủ đầu tư “né” việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên hệ quả từ việc chủ đầu tư chọn nộp tiền thay cho việc để dành 20% quỹ đất vẫn chưa thể khắc phục ngay”, luật sư Phượng nói.
Nguồn: CafeF