Gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai có gần 114.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản không chỉ trong ngắn hạn mà còn là động lực tăng trưởng chính của thị trường trong các năm tới.

Đánh thuế BĐS: Liệu đã đến thời điểm phù hợp?

Chính sách thuế liên quan nhà, BĐS là một trong những nội dung mà Bộ Tài chính đang xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, theo chỉ đạo của Chính phủ. Đa số các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc đánh thuế nhà và tài sản trong bối cảnh thị trường địa ốc sốt giá, đầu cơ tích trữ nhà đất quá cao.

Triệt tiêu ý chí đầu cơ

Trong đề cương báo cáo nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất, Bộ Tài chính cho biết, chính sách thu hiện hành liên quan đến BĐS gồm: Các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, lệ phí trước bạ).

Ngoài ra, còn có các khoản thu trong quá trình sử dụng tài sản (gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp); các khoản thu khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp khi người chuyển quyền là cơ sở kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân khi người chuyển quyền là hộ gia đình, cá nhân).

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cũng như bổ sung nội dung mới cần quy định tại Luật.

Cụ thể, nội dung góp ý gồm đề xuất gộp Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay BĐS (nếu có).

Đánh thuế nhà, BĐS là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian qua và có nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2018, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến góp ý dự án Luật thuế tài sản với đối tượng chịu thuế chính là đất, nhà – công trình xây dựng trên đất… Do không nhận được sự đồng thuận nên đã được “gác” lại.

Trước vấn đề này, theo ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là thời điểm rất thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản. Thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03% trong khi ở các quốc gia khác thông thường mức thuế suất khoảng 1-1,5%.

Với cách đánh thuế nhà và tài sản như thế giới đang làm giúp ngân sách có được nguồn đóng góp từ mọi người dân.

Theo ông Võ, phải giữ nguyên tắc không phải tăng thuế tài sản mà là cải cách thuế tài sản. Tức là thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ nhà ở nên nội dung của luật phải đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao; Đồng thời tăng thuế đất lên một mức độ nhất định.

Câu chuyện thu thuế không phải nói lần đầu mà trước đây cũng đã bàn đến rất nhiều, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc xem xét các giải pháp “đặc trị” sốt đất và bình ổn giá nhà. Trong đó có việc sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế BĐS.

Theo ông Châu, mặt tích cực của việc đánh thuế BĐS là tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường BĐS công bằng, minh bạch hơn.

Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, cần thiết đề xuất ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất.

Theo đó cần đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư lướt sóng (vì không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng), trong trường hợp thị trường BĐS có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.

Ngoài ra vị này cho rằng cần xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba.

Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.

Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực, lãnh đạo HoREA nhận định.

bđs

Thuế nên áp ra sao?

Tán thành việc đánh thuế để tăng thu ngân sách, chống đầu cơ BĐS, giúp hạ giá nhà nhưng nhiều ý kiến còn lăn tăn nên đánh thuế từ căn nhà thứ 2 hay theo giá trị nhà và đất.

Chuyên gia về thuế Đinh Trọng Thịnh nói rằng, nên đánh thuế BĐS thứ 2 trở đi và lũy tiến giá trị BĐS, nhất là nhà, đất bỏ hoang để đầu cơ chờ giá lên, không ai ở, vì đó là trọng tâm gây nhiều hệ lụy làm tăng giá nhà đất, gây bất bình đẳng. Nhưng luật cũng cần chặt chẽ vì sẽ có nhóm đối tượng tìm cách lách luật.

“Phải đánh thuế cao, lũy tiến vào tiền đầu cơ BĐS, chứ không phải áp thuế trên giá trị BĐS. Điều này đồng nghĩa ai ôm nhiều đất đai đầu cơ, không có dòng tiền kinh doanh sẽ bị thu thuế cao hằng năm”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra khi nhắc đến thuế BĐS, nhiều ý kiến cũng đề xuất đánh thuế cao đối với người chậm đưa đất vào sử dụng. Pháp luật đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính.

Nhưng chế tài này, theo chuyên gia, chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, muốn thực hiện được luật thuế này cần giải quyết vấn đề bất đồng bộ giữa các bộ luật, nhất là đối với vấn đề xác định giá đất để tính thuế.

Cần thận trọng

Dù có nhiều ý kiến đồng thuận nhưng cũng có nhiều ý kiến kêu gọi thận trọng khi đánh thuế vì có thể tác động tiêu cực đến thị trường.

Lãnh đạo một công ty địa ốc tại Hà Nội cho biết, trước khi tính đến việc đánh thuế tài sản, cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng và trúng mục tiêu, đảm bảo đánh thuế công bằng.

Thuế là công cụ giúp thị trường ổn định, phát triển tốt hơn nên cần xây dựng lộ trình tiếp cận từng bước, không nên tạo cú sốc đột ngột khiến thị trường triệt tiêu cơ hội phát triển. Thuế tài sản hướng đến mục tiêu chống đầu cơ nhưng không nên kìm hãm hoạt động đầu tư phát triển vì thị trường địa ốc nóng (sốt) hay chuyển lạnh (đóng băng) sẽ ảnh hưởng dắt dây theo hàng chục ngành nghề liên quan.

Theo: Anh Huy (Báo Lao động)

 

Đánh giá BĐS này

  • Chất lượng
  • Giá
  • Dịch vụ
Mục Lục