Thị trường bất động sản sẽ kích hoạt ra sao trong quý 4/2021?

Doanh nghiệp bất động sản phía Nam và mối lo “bình thường mới”

Ngày 1/10, các tỉnh, thành phía Nam sẽ tiến hành thực hiện trạng thái “bình thường mới”. Thế nhưng, các tỉnh, thành lại đưa ra phương án người dân không được giao thương với nhau khiến các doanh nghiệp bất động sản như ngồi trên lửa bởi dù họ ở TP. Hồ Chí Minh nhưng dự án lại nằm chủ yếu tại các tỉnh lân cận.

Bình thường mà không bình thường

Là doanh nghiệp có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh, thế nhưng các dự án bất động sản mà Tập đoàn bất động sản Trần Anh Group lại nằm chủ yếu ở các tỉnh là Long An, Bình Dương và thậm chí ông Hà Văn Thiện, Phó tổng Tập đoàn này cho biết hiện doanh nghiệp đã phát triển xong dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu và theo kế hoạch sẽ tổ chức mở bán vào cuối năm 2021.

Ông Thiện cho biết, ngày 27/9 vừa qua, tỉnh Long An phát đi thông báo sẽ chính thức cho các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Đây là điều đáng mừng và kỳ vọng lớn của doanh nghiệp ông khi mà hiện nay Tập đoàn Trần Anh Group có tới 4 dự án bất động sản đang triển khai mở bán.

Sự vui mừng chưa được lâu thì ngày 28/9, tại buổi họp trực tuyến giữa lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phương án mở cửa trở lại của các tỉnh, lãnh đạo các tỉnh đều đề xuất là không cho người dân các tỉnh lưu thông với nhau.

“Nếu không cho lưu thông như vậy, các doanh nghiệp bất động sản chúng tôi làm sao có thể bán hàng ở các tỉnh. Đây là điều vô cùng bất hợp lý và làm khó cho doanh nghiệp vô cùng”, ông Thiện nói.

bds

Năm 2020, Công ty CP Địa ốc Phú Đông có trụ sở tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương dời về quận 1 TP. Hồ Chí Minh hoạt động. Tuy nhiên, văn phòng kinh doanh, cũng như các dự án bất động sản của doanh nghiệp này vẫn nằm ở TP. Dĩ An. Trong đó, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này là quý IV/2021 sẽ mở bán dự án chung cư tại TP. Dĩ An và một dự án nhà phố tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

“Bất hợp lý là trụ sở kinh doanh công ty ở TP. Dĩ An nằm ở sát mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, nơi bên kia là TP. Hồ Chí Minh bên này là TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Vậy nhưng, chúng tôi vẫn không thể qua công ty bởi vì hàng rào chắn ngăn cách giữa hai địa phương. Nếu doanh nghiệp không được qua lại thì có mở cửa hoạt động chúng tôi cũng không thể hoạt động kinh doanh được”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc kinh doanh Phú Đông Group cho biết.

Mối lo này cũng đè nặng lên vai các doanh nghiệp lớn, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết từ năm 2019 tới nay, doanh nghiệp này phát triển các dự án bất động sản chính nằm ở TP. Biên Hoà (Đồng Nai), Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Phan Thiết (Bình Thuận).

Một lãnh đạo tập đoàn này cho biết, đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản đó là muốn bán được hàng phải đưa khách hàng trực tiếp tới xem dự án thì họ mới mua. Doanh nghiệp kỳ vọng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận có thể mở cửa cho kinh doanh, sản xuất, người dân đi lại từ 1/10 để có thể triển khai kinh doanh trở lại, lấy lại doanh thu trong quý cuối cùng của năm sau khi quý 2 và 3 đã không có nguồn thu, thì lại thất vọng trong việc đề xuất không cho lưu thông giữa các tỉnh.

Nếu không cho lưu thông, các doạnh nghiệp bất động sản cũng vẫn sống trong cảnh “bó chân, bó tay” toàn tập.

Không chỉ 3 doanh nghiệp trên, nhìn tổng thể thị trường kinh doanh bất động sản hiện nay tại các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp bất động sản lớn như Hưng Thịnh Corp, Nam Group, Thắng Lợi Group, DKRA Việt Nam, Phát Đạt, Danh Khôi… tới những doanh nghiệp môi giới nhỏ đều đang phát triển các dự án bất động sản tại các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, việc không cho lưu thông giao thương giữa các tỉnh với nhau sẽ đưa các doanh nghiệp bất động sản vào thế bí, cho mở cửa mà vẫn không thể kinh doanh.

Không những việc kinh doanh bị ảnh hưởng, ngay cả nguồn nhân lực của các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Ông Đỗ Thành Trung, Giám đốc sàn giao dịch bất động tại tại quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước dịch ông cho nhân viên về quê để “né dịch”, ngay cả bản thân ông cũng về quê tại một tỉnh miền Trung, thế nhưng hiện để quay trở lại TP. Hồ Chí Minh để làm việc là điều khó khăn cho chính ông và nhân viên của mình.

“Nếu mở cửa, nhưng lại không cho người dân lưu thông và qua lại các tỉnh để làm việc thì các doanh nghiệp cũng sẽ chẳng thể nào mở của kinh doanh trở lại được”, ông Trung bức xúc.

bất động sản

Kế hoạch trở lại còn xa vời

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho biết, từ giữa tháng 9/2021 doanh nghiệp ông đã lên kế hoạch cho sự trở lại của mình ở thị trường. Đặc biệt, để trở lại kinh doanh, công ty đã triển khai cho nhân viên tiêm đủ 2 mũi vaccine để có “thẻ xanh” đi lại theo đúng yêu cầu trước đó của TP. Hồ Chí Minh và Chính phủ. Tuy nhiên, ngày 28/9, thông tin các tỉnh mở cửa cho kinh doanh lại không cho lưu thông với nhau đã làm cho ông Hậu hụt hẫng và không biết sẽ mở cửa kinh doanh trở lại thế nào.

“Hiện chúng tôi đang triển khai mở bán dự án bất động sản tại tỉnh Bình Phước, nếu không được lưu thông giữa các tỉnh thì doanh nghiệp sẽ không thể mở cửa kinh doanh trở lại. Đây không phải là giải pháp tốt cho sự mở cửa kinh tế, nếu mở cửa kinh tế mà tỉnh nào phát triển kinh tế tỉnh đó, không cho lưu thông với nhau sẽ làm gãy kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông Hậu nói.

Cũng theo ông Hậu, thay vì cứ đóng cửa, các tỉnh cần  thống nhất chung trong việc liên thông kinh tế ở trạng thái bình thường mới.

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng sau hơn 4 tháng đóng cửa, doanh nghiệp của ông Vinh đã không thể thực hiện kinh doanh, nguồn thu không có, trong khi kỳ vọng lớn nhất là ngày mở cửa trở lại của nền kinh tế để doanh nghiệp có thể kinh doanh để tồn tại. Tuy nhiên, việc địa phương lo ngại trong chính việc mở cửa theo dạng, mở mà không thông thì chỉ làm cho ngày trở lại của doanh nghiệp  càng xa vời.

Ông Vinh cho rằng, các tỉnh cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của sự liên kết mở cửa, dựa trên nguyên tắc thống nhất về vaccine đã được doanh nghiệp tiêm cho người lao động, nếu ai hai mũi vaccine thì nên cho đi lại giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, cần hiểu đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng ngành để cho phép các doanh nghiệp liên thông giữa các tỉnh với nhau cho phù hợp, đảm bảo việc doanh nghiệp vẫn có thể phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân, người lao động.

“Các địa phương không thể quản lý cứng nhắc trong quá trình kiểm soát dịch, không cứng nhắc trong việc mở cửa để doanh nghiệp trở lại kinh doanh, sản xuất chứ đừng cứng nhắc và đóng thành như hiện nay”, ông Vinh nói.

"Dòng tiền của doanh nghiệp BĐS hiện nay cũng giống như oxy cho người bệnh Covid-19"
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Đại Phúc Group

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Đại Phúc Group cho rằng, đã đến lúc nên thí điểm mở cửa dần theo địa bàn. Đầu tiên, cho phép các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các vùng an toàn (vùng xanh) không có F0 trong cộng đồng trong 2, 3 tuần được trở lại sản xuất bình thường cùng với việc thực hiện 5K.

“Khi nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có hàng chục nghìn công nhân thì lực lượng lao động này không phải đến từ một vùng, mà có thể đến từ vùng xanh, vàng, đỏ nên phải phân loại cẩn trọng, có thể cho những người đến từ vùng nguy cơ cao tạm nghỉ hoặc thực hiện “3 tại chỗ”. Khi vùng xanh tổ chức tốt thì dần dần triển khai đến vùng vàng, còn vùng đỏ phải làm rất chặt, bóc tách F0 và điều trị”, bà Hương nêu rõ.

Cũng theo bà Hương, kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ các địa phương giáp danh với nhau, thực hiện cẩn trọng từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng chống dịch. Khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và hạn chế được vùng đỏ sẽ cho áp dụng các biện pháp bình thường mới và các tỉnh cần cho người lao động, doanh nghiệp được lưu thông qua lại với nhau để tạo đà phát triển kinh doanh, sản xuất trở lại.

Đồng thời, bà Hương cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thống nhất các thủ tục, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian, chi phí vận chuyển, logistics, bến bãi, kho hàng, bất động sản… để cùng với các chính sách hỗ trợ về lãi suất, vay nợ, miễn giảm thuế, phí, lệ phí… của Chính phủ, nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục và phát triển sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau giãn cách.

Nguồn: Tạp chí tài chính

Đánh giá BĐS này

  • Chất lượng
  • Giá
  • Dịch vụ
Mục Lục