Hàng cây xanh dọc theo đường An Dương Vương, TP Sóc Trăng được người môi giới bất động sản treo áp phích rao bán đất nền. Ảnh: Việt Tường.

Giá đất tăng nóng tháng cận Tết 2022

Giá đất tăng nóng

Sau giãn cách, thị trường bất động sản tại khu vực vùng ven Hà Nội và một số tỉnh thành có sự sôi động trở lại. Thậm chí, có những nơi giá đất trở nên nóng bỏng tay, chỉ trong vài ngày đã tăng đến 30%.

Sau khi có thông tin đề xuất chủ trương phát triển huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố. Ngay lập tức, thông tin nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt giới đầu tư bất động sản quan tâm tới để tìm cơ hội đón sóng.

Theo khảo sát, tại huyện Đông Anh đất phân lô trong khu dân cư tại xã Vân Nội đang được rao bán với mức giá từ 30 – 40 triệu đồng/m2, tại xã Nam Hồng, Tiên Dương những mảnh đất gần đường quốc lộ 23B đang được rao bán với mức giá khoảng 50 triệu đồng/m2, tại mặt đường ngõ cũng đang được giao dịch với giá từ 30 – 35 triệu đồng/m2.

Tại xã Vân Canh, những mảnh đất ven sông Hồng trước đây chỉ dao động từ 15 – 18 triệu đồng/m2 thì nay có những mảnh đã chạm mức 30 triệu đồng/m2. Những mảnh đất trong ngõ rộng 4m trước đây có giá khoảng 20 triệu đồng/m2 thì nay cũng tăng lên tới 30 – 35 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Văn Hợp – môi giới bất động sản tại Đông Anh cho biết, kể từ khi có thông tin đề xuất lên phố tới nay, nhiều khu vực tại Đông Anh giá đất đã tăng từ 20 – 30%.

Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, các xã Hiền Ninh, Minh Phú, Minh Trí…, đất sổ đỏ trong khu dân cư được rao bán từ 10 – 14 triệu đồng/m2, trong khi đó, thời điểm giữa năm chỉ dao động từ 4 – 8 triệu đồng/m2. Tại khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ ( xã Minh Phú), thời điểm giữa năm là từ 1 – 3 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 2 – 6 triệu đồng/m2.

đất

Còn tại Mê Linh, giá đất trong thời gian gần đây cũng có biến động mạnh. Đơn cử, tại xã Tiền Phong, những mảnh đất gần dự án Cienco 5, giá đất thổ cư pháp lý đầy đủ cũng tăng từ mức 13 – 23 triệu đồng lên đến 21 – 40 triệu đồng/m2.

Không chỉ ở khu vực đề xuất lên thành phố, thời gian qua giá đất tại huyện Thanh Oai cũng có biến động mạnh. Đơn cử, phiên đấu giá được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua tại khu đấu giá đất Rặng Sắn (xã Cao Dương), sau khi trúng nhiều nhà đầu tư sang tay chênh từ 400 – 500 triệu đồng/lô đất. Thậm chí, môi giới còn giao hẹn với nhà đầu tư chốt ngay trong ngày, nếu không sẽ bán luôn cho người khác.

Tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) giá đất cũng tăng nhanh chóng chỉ vài ngày đã tăng 30%. Đơn cử, một mảnh đất rộng 100m2, nằm ở mặt đường 16m, gần Quốc lộ 1A, cách đây 4 ngày đang có giá khoảng 2 tỷ đồng, tương đương, 20 triệu đồng/m2. Đến nay, giá đã tăng lên đến 2,8 tỷ đồng, tương đương 28 triệu đồng/m2, tức tăng 30%, chỉ sau vài ngày.

Thậm chí, môi giới khu vực này còn khẳng định chắc nịch: “Không mua nhanh có khi chỉ vài ngày nữa lại tăng giá, vì lượng lớn nhà đầu tư từ nhiều tỉnh thành vẫn đang kéo về rất đông”.

Theo khảo sát, những đất gần Khu công nghiệp Quang Châu nằm ở vị trí đường lớn đang được bán với giáo dao động từ 27 – 38 triệu đồng/m2, một số lô có thể đã lên tới 42 triệu đồng/m2. Còn đất trong làng, đường nhỏ hơn có giá từ 18 – 23 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Thị trường dần “hạ nhiệt”

Tuy nhiên, bước sang tháng cận Tết Nguyên đán, cảnh đông đúc người mua, bán không còn xuất hiện. Thay vào đó, các mảnh đất đã im lìm nằm chờ khách tới mua.

Lý giải về hiện tượng thời gian gần đây giao dịch bất động sản ít, anh Nguyễn Văn Hải – nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, tháng cận Tết thường các giao dịch thành công sẽ không có nhiều, điều này cũng xuất phát từ tâm lý giữ an toàn cho dòng vốn.

“Thường các môi giới sẽ thường bơm thổi tháng cuối năm là tháng mua sắm nhà cửa, đất đai. Nhưng theo tôi quan sát nhiều năm thì đây không phải sự thật và lượng giao dịch thành công trong thời gian này sẽ có phần ít hơn”, anh Hải khẳng định.

Theo nhà đầu tư này giải thích, đối với người nhu cầu mua ở thực nếu vào thời điểm tháng cuối cùng dù có mua được thì có thể việc chuyển vào nhà mới vẫn phải lùi tới sang năm. Do đó, khi đã tới thời điểm này họ sẽ để qua năm cũ cho đỡ vội và cũng có thời gian để cân nhắc lựa chọn căn hộ phù hợp.

giá đất

Còn đối với nhà đầu tư, thời gian này cực kỳ “nhạy cảm” cho việc xuống tiền mua vào hoặc bán ra. “Rất khó có thể đoán thị trường sau Tết Nguyên đán sẽ ra sao có thể sẽ sôi động hoặc chững lại. Nên kể cả người bán và người mua thời gian này sẽ tiếp tục bế quan tỏa cảng và nghe ngóng chờ thời cơ.

Cùng đó, mấy năm nay lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường rất đông, nhóm này thường có xu hướng liều mạng lướt sóng ăn non. Do đó, nhóm nhà đầu tư này cũng để sau Tết Nguyên đán nghe ngóng tình hình nếu thị trường sôi động sẽ tham gia vào lướt sóng”, anh Hải nhận định.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư này cho biết, thời gian trước Tết Nguyên đán lượng quan tâm về bất động sản sẽ tăng lên, nhiều khu vực vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư tới xem nhưng giao dịch sẽ rất ít.

“Thời gian này nhà đầu tư sẽ đi xem và nghe ngóng từng khu vực và đưa ra các dự đoán cho năm tiếp theo. Do đó, lượng giao dịch trong thời gian này có giảm và giá đất cũng đứng im, thị trường bắt đầu hạ nhiệt hơn không còn tình trạng tăng nóng như tháng 10, 11 âm lịch nữa”, anh Hải chia sẻ.

Nguồn: CafeF

Đánh giá BĐS này

  • Chất lượng
  • Giá
  • Dịch vụ
Mục Lục