Bất động sản Long An “an toàn” giữa sóng COVID-19

Là tỉnh ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 thứ 4 của Việt Nam, thế nhưng thị trường bất động sản Long An vẫn đón nhận những thông tin tích cực từ các dự án mới mở bán và số lượng sản phẩm được bán ra trong thời gian dịch bệnh được kiếm soát.

Cuộc đua hấp dẫn

Đầu tháng 9/2021, khi dịch bệnh COVID-19 được cho là đã dần được kiểm soát tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt điểm nóng thứ 3 về số ca dương tính mới là tỉnh Long An đã giảm mạnh thì thị trường bất động sản tại đây cũng bắt đầu có tín hiệu tích cực ở việc các doanh nghiệp tại đây thông báo số lượng bán thành công trong quý 3, quý mà dịch bệnh phát triển mạnh nhất.

Cụ thể, dự án nhà phố, biệt thự của Tập đoàn Thắng Lợi tại huyện Bến Lức để tránh tình trạng phải “đóng băng” kinh doanh trong thời điểm giãn cách xã hội thì Tập đoàn Thắng Lợi đã sử dụng phương pháp bán hàng trực tuyến bằng các buổi Livestream do lãnh đạo doanh nghiệp điều phối và chuyên gia kinh tế cùng tham gia để phân tích thị trường Long An giữa tác động của dịch bệnh cũng như cơ hội mua nhà khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Mỗi buổi bán hàng như vậy, khách hàng sẽ được chính lãnh đạo doanh nghiệp tư vấn về tính pháp lý của dự án để khách hàng an tâm đầu tư. Cũng ở những buổi bán hàng này mà lượng hàng chúng tôi bán ra rất hiệu quả”, ông Nguyễn Thanh Quyền,  Tổng giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi cho biết.

Không chỉ Thắng Lợi mà nhiều doanh nghiệp bất động sản tại tỉnh này không quản ngại dịch bệnh vẫn bán hàng theo hình thức trực tuyến như Trần Anh Group, Cát Tường Group, Phú Land, Hiển Vinh… Các báo cáo thị trường bán hàng của các doanh nghiệp trong quý 3 đều cho thấy lượng sản phẩm bán ra vẫn rất tốt.

Bất động sản Long An "an toàn" giữa sóng COVID-19

Ông Võ Thắng, Giám đốc Công ty Bất động sản Thành Đô tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh đến tâm lý đầu tư và chọn nhà của khách hàng. Nếu trước đây, vùng ven được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thì hiện tại đã có thêm sự tham gia của các “cá mập” dòng tiền mạnh khi COVID-19 lần thứ 4 trở lại khiến bất động sản thành thị lộ nhiều khuyết điểm.

Điều này đã giúp thị trường ven TP. Hồ Chí Minh như Long An “dậy sóng”, trở thành căn cứ địa của nhà đầu tư bất động sản bắt nhịp nhanh cùng thị trường. Trong đó, các dự án của chủ đầu tư uy tín, pháp lý rõ ràng được dự báo sẽ thu hút người mua.

Chị Nguyễn Thu Thủy (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), một nhà đầu tư lâu năm tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam cho biết, nếu trước đây 70% dòng tiền chị đổ vào bất động sản thành thị, 30% dòng tiền cho bất động sản vùng ven thì hiện tại cán cân này đã có sự thay đổi. Theo đó, chị cân nhắc chuyển 70% dòng tiền vào bất động sản ven đô khi nội thành ngày càng ô nhiễm, kẹt xe, vấn nạn ngập nước, đặc biệt là tình trạng dịch bệnh phong tỏa khiến cuộc sống đảo lộn.

“Nếu trước đây, bất động sản thành thị giá có cao đến đâu thì tính thanh khoản vẫn tốt, nhưng đợt dịch vừa rồi khiến điều này gặp vấn đề lớn, lộ rất nhiều điểm bất cập. Trong khi đó, bất động sản ven đô lại có tính thanh khoản tốt hơn.

Đối với một người làm kinh doanh như tôi, thì nơi nào tạo lợi nhuận tốt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn người mua mới là kênh bất động sản vua. Long An sẽ là địa phương tôi lựa chọn xuống tiền trong quý 4/2021 vì vị trí chiến lược liền kề TP. Hồ Chí Minh, đón đầu trục động lực phát triển kinh tế vùng và là tỉnh có quỹ đất còn rộng, giá mềm, đang trên đà tăng trưởng, ứng phó dịch tốt trong đợt thứ 4 này”, chị Thu Thủy cho biết.

Bất động sản Long An "an toàn" giữa sóng COVID-19

Dự án và cơ hội mới lại xuất hiện

Một điểm có thể thấy được ở thị trường Long An mà các thị trường vùng ven TP. Hồ Chí Minh khác chưa xuất hiện đó là dù dịch bệnh vẫn còn nhưng đã có những doanh nghiệp bắt đầu thông báo ra mắt dự án mới. Điển hình là dự án West Market Lạc Tấn, một dự án với diện tích gần 7.000 m2 được thiết kế và xây dựng thành Khu thương mại đô thị hiện đại tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Dự án do Tập đoàn Thắng Lợi phát triển. Theo đó, dự án có 30 sản phẩm căn hộ shophouse. Dự án nằm trên trục đường ĐT833 và ĐT833B với 4 làn xe lưu thông.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi cho biết, ngoài dự án này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển thêm 1 dự án rộng 130 ha tại tỉnh Long An và số lượng hàng bán ra vào quý 4 sẽ không dưới 500 sản phẩm.

Các doanh nghiệp khác như Trần Anh Group, Cát Tường Group, Phúc Land… cũng phát đi thông báo sẽ tiếp tục ra mắt những sản phẩm bất động sản tại các huyện của tỉnh Long An như Đức Hòa, Đức Huệ, Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc.

Đánh giá về thị trường bất động sản quý 4, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho rằng đất nền, nhà phố thương mại các tỉnh giáp ranh vẫn là sự ưu tiên hàng đầu, tuy không như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn có giao dịch tích cực.

“Khó có sự giảm giá sơ cấp bất động sản tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh do chi phí đầu vào tăng và áp lực về lạm phát tác động. Tuy nhiên chủ đầu tư sẽ tăng cường các chính sách bán hàng như kéo dài thời gian thanh toán, chiết khấu… để hấp dẫn người mua. Chính vì vậy đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư thứ cấp mua bất động sản đầu tư sinh lời”, ông Lâm nhận định.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh thì Long An có những lợi thế rất lớn cho thị trường bất động sản hồi sinh sau dịch bệnh. Cụ thể về giá bất động sản, Long An đang trở thành đề tài nóng hổi đối với các tập đoàn bất động sản lớn cũng như nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường bất động sản các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc đều đang diễn ra sôi động. Tuy nhiên, các nghiên cứu thị trường đều chỉ ra rằng mặt bằng giá bất động sản Long An vẫn còn thấp hơn nhiều so với Bình Dương hay Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu.

“Theo khảo sát của trang batdongsan.com.vn thì giá đất trung bình ở Bình Dương hiện nay khoảng 13,8 triệu đồng/m2, nhà phố/biệt thự khoảng 40-60 triệu đồng/m2; đất nền Đồng Nai khoảng 8 triệu đồng/m2, nhà phố/biệt thự khoảng 35-50 triệu đồng/m2; thì tại Long An giá đất chỉ ở mức 6-6,7 triệu đồng/m2, đất trung tâm thị trấn, thị xã vào khoảng 18-30 triệu đồng/m2”, ông Châu nói.

Những tín hiệu tích cực mở lối cho thị trường Long An phát triển

Cũng theo ông Châu, Long An đang hoàn thành việc nâng cấp các tuyến quốc lộ 1A, 50, 62, N2, các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành giúp Long An kết nối trực tiếp với hệ thống cảng Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành… cũng đang hứa hẹn nhiều triển vọng.

Mới đây TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các tỉnh, thành điều chỉnh lại hướng tuyến xây dựng tuyến đường sắt đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ có tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỉ USD.

Tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức – Hiệp Phước, metro 3A Bến Thành – Tân Kiên cũng đang rục rịch khởi động trong khi cao tốc Bến Lức – Long Thành, TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Cần Thơ đang chuẩn bị đưa vào hoạt động. Các dự án hạ tầng này không chỉ xây dựng hệ thống giao thông hiện đại cho vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh mà còn mở lối hình thành các đô thị vệ tinh tại Long An.

Mạng lưới hạ tầng - giao thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội thần tốc của Long An những năm gần đây

Một điểm tích cực nữa được ông Châu chỉ ra tại thị trường Long An đó là Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt là tuy nằm ở vùng Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) song lại thuộc Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của Long An đạt 9,11%/năm, dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Với khoảng 2 triệu dân (đứng thứ 15 cả nước), Long An cũng là địa phương có mật độ dân số đông, nguồn lao động trẻ dồi dào phục vụ chiến lược phát triển kinh tế.

Nằm giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, Long An được xem là dấu gạch nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ. Trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – tài chính – công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh, Long An được xem như khu vực mở rộng để di dời các nhà máy công nghiệp một cách thuận tiện nhất.

Hiện Long An đang có 36 khu/cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 80%. Nhờ đó, Long An đang trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ của ĐBSCL.

Bên cạnh đó là việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư, góp phần mở rộng các thị trấn, thị tứ; đồng thời tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới trên địa bàn Long An. Theo quy hoạch, giai đoạn từ 2021-2030, Long An sẽ phát triển 29 đô thị ở các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh.

“Điểm tác động lớn nữa là việc TP. Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 TP. Hồ Chí Minh sẽ chuyển 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn thành quận. Thông tin này không chỉ lập tức tác động đến giá nhà đất ở các địa phương này mà lan mạnh về Long An bởi cả 3 huyện này đều giáp ranh trực tiếp với Long An”, ông Châu nói.

Nguồn: Tạp chí tài chính

Đánh giá BĐS này

  • Chất lượng
  • Giá
  • Dịch vụ
Mục Lục