Giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm thuộc TP. Thủ Đức (quận 2 cũ) nằm bên bờ sông Sài Gòn, được quy hoạch thành 8 khu chức năng với công năng riêng

Bức tranh thị trường bất động sản năm 2022 sẽ như thế nào?

Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như các động thái kiểm soát của nhà nước bức tranh thị trường bất động sản năm 2022 được dự báo vẫn có nhiều màu sáng.

Bối cảnh mới với những tiền đề tốt

Thị trường bất động sản năm 2021 dần khép lại với điểm nhấn là những đợt sốt nóng giá nhà đất, nhất là phân khúc đất nền tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Bất chấp những e ngại về dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng các phòng công chứng luôn phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư.

Anh Bùi Văn Tâm (Hà Nội) – một trong những những nhà đầu tư “lão luyện” từng trải qua “cơn sóng thần” sốt nóng giá đất những năm 2010 cho rằng thị trường hiện nay dù đang có sự hưng phấn của cơn sốt năm xưa nhưng về bản chất mọi thứ đã thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn khi cả người mua và người bán đều ngày càng “thông minh”.

Theo các chuyên gia, năm 2022, thị trường bất động sản sẽ được đặt trong bối cảnh mới với nhiều triển vọng tích cực.

Đầu tiên, ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022-2023. Cụ thể, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% trong năm sau, thậm chí nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5-7%.

“Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu của thị trường bất động sản tăng trưởng theo và bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn” – ông Lực nhận định.

Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2022 cũng sẽ là một động lực mạnh góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản đi lên.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hiện nay dù chưa có con số chốt cuối cùng về quy mô của Chương trình thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế mà Quốc hội đang bàn thảo để sắp tới có thể thông qua nhưng chắc chắn nó cần phải có quy mô đủ lớn và diện hỗ trợ đủ rộng, tập trung hơn vào một số ngành có khả năng phục hồi, tạo sức lan tỏa.

bất động sản
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

“Một trong những trọng tâm của chương trình trên là việc tập trung giải ngân đầu tư công cơ sở hạ tầng sẽ là động lực rất tích cực cho thị trường bất động sản ” – TS. Võ Trí Thành nhận định.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 được dự báo sẽ còn dư địa tăng giá trong năm 2022 khi mà thời gian qua, bất chấp những tác động của dịch bệnh, nhiều phân khúc trên thị trường bất động sản vẫn tăng giá.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam thời gian qua, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp tại TP. HCM tăng 17%. Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%, nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TP.HCM, biệt thự tăng 3%, nhà phố tăng 17%, nhà phố thương mại tăng 6%.

thị trường.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao, CBRE Việt Nam

Lý giải về sự “miễn nhiễm” giá bất động sản với đại dịch COVID-19, bà Dương Thùy Dung cho rằng thời gian qua, thị trường bất động sản đã tạo ra nhiều kháng thể, bằng cách tự thích ứng linh hoạt với xu thế “bình thường mới” thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.

Về nội lực của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, theo TS. Cấn Văn Lực là đang khá tốt khi Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030; đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản cũng dồi dào.

Theo đó, đến hết quý 3/2021, vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6%, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản. Vốn tư nhân và vốn FDI đổ vào thị trường này tính đến tháng 11 đã đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ ba trong nhóm các lĩnh vực.

Thị trường ngày càng lành mạnh

Theo các chuyên gia, bước sang năm 2022, với những tiền đề tốt của năm 2021 thị trường sẽ ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp hơn và sẽ ít có khả năng xảy ra tình trạng sốt nóng “giật cục” và giá đất sẽ bớt ảo. TS. Cấn Văn Lực cho rằng hiện nay thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm tới nhưng rất khó xuất hiện tình trạng sốt đất.

Theo đó, ông Lực cho rằng, sắp tới sẽ khó có làn sóng tăng giá bất động sản trong năm 2022. Năm 2021, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.

“Nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Huỳnh Phước Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng bước sang năm 2022 sẽ là năm mà Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho dự án. Ngay cả tại TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu nên các chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn.

thị trường bất động sản năm 2022

Tâm thế nào cho các nhà đầu tư?

Theo nhận định của các chuyên gia, bất động sản sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn các nhà đầu trong năm 2022, tuy nhiên cơ hội sẽ không dành cho số đông khi sự chuyên nghiệp được nâng cao cũng đồng nghĩa với tính thanh lọc ngày càng lớn.

Trong bối cảnh đó, theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam các nhà đầu tư khi tham gia thị trường để tránh những rủi ro cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, trong đó, pháp lý của bất động sản hay dự án phải được quan tâm hàng đầu trước khi tìm hiểu thêm về dự án. Khi có pháp lý đã đầy đủ, minh bạch thì người mua đã hạn chế được 90% rủi ro của dự án.

Chia sẻ quan điểm trên, theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, khi mua các bất động sản tỉnh, nhà đầu tư phải để ý tính pháp lý. Nhiều người ở thành phố không rành về đất đai khu vực tỉnh, mua không tìm hiểu kỹ càng, nên rất dễ dính bẫy khi mua bất động sản không biết khi nào ra được sổ, mua xong không xây được nhà.

Bên cạnh đó, một yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm chính là vị trí và hạ tầng xung quanh dự án. Một dự án được coi là có tiềm năng tăng giá, tính thanh khoản cao phải có vị trí nằm gần khu dân cư sầm uất, xung quanh hạ tầng được đầu tư chỉn chu, thuận tiện kết nối với các khu vực trung tâm vì khi hạ tầng được đầu tư phát triển sẽ giúp tăng giá trị tại khu vực đó.

Vấn đề thứ ba mà các nhà đầu tư cần xem xét là uy tín, năng lực của chủ đầu tư. Theo TS. Sử Ngọc Khương, nhà đầu tư nên chọn các dự án lớn, được triển khai làm nhiều giai đoạn. Ngoài ra, nhà đầu tư cần tìm hiểu năng lực của chủ đầu tư qua các dự án trước đó để tham khảo thêm.

“Thực tế, trên thị trường có những chủ đầu tư thực hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm dự án với khoảng thời gian hàng chục năm, cũng có chủ đầu tư mới chỉ nghe tên lần đầu nhưng cam kết lợi nhuận cực cao”, TS. Khương phân tích.

Nhìn chung các chuyên gia bất động sản cho rằng, khi lựa chọn một dự án để ở hay đầu tư không chỉ xét các yếu tố như vị trí, mức giá ban đầu hay tiện ích, nhà đầu tư cần phải chú trọng đến 3 yếu tố tiên quyết khi xuống tiền đầu tư một dự án: sự an toàn, tính thanh khoản và lợi nhuận bền vững.

Lưu ý về về chiến lược cho các nhà đầu tư, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng dù đầu tư vào phân khúc, thị trường nào, nhà đầu tư cũng cần xác định rõ chiến lược đầu tư của bản thân.

“Nếu đầu tư “phòng thủ” thì cần cân đối dòng tiền. Còn nếu đầu tư theo dạng “tấn công” thì tận dụng thời gian này để tìm sản phẩm giá mềm. Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải quản lý được rủi ro dòng tiền đầu tư, kế hoạch tài chính của mình. Với bối cảnh hiện nay, đại dịch có thể tấn công lâu dài nên việc quản lý kế hoạch tài chính phù hợp với mục tiêu của bản thân là cực kỳ quan trọng”, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam lưu ý.

Nguồn: Tạp chí tài chính

Đánh giá BĐS này

  • Chất lượng
  • Giá
  • Dịch vụ
Mục Lục