Văn phòng cho thuê “đổi ngôi” hậu Covid-19

Nếu co-working (văn phòng chia sẻ) tăng trưởng chậm, thì hybrid working (văn phòng làm việc kết hợp) lại đang đón nhận sự quan tâm từ các chủ doanh nghiệp.

Xu hướng làm việc online kết hợp offline

Dù đợt nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc gần một tuần, nhưng anh Nguyễn Cường, nhân viên lập trình của một công ty chuyên về phần mềm vẫn không vội vã trở lại TP.HCM làm việc, bởi anh được quyền lựa chọn đến công ty hoặc làm việc tại nhà, miễn là tiến độ công việc được đảm bảo.

Anh Cường cho biết, công ty anh đã chuyển đổi mô hình làm việc online kết hợp offline từ giữa tháng 10/2021, những người bắt buộc phải làm việc tại trụ sở chủ yếu là bộ phận văn phòng, hành chính.

“Công việc chủ yếu xét đến kết quả cuối cùng, nên để đảm bảo sức khỏe của mỗi người cũng như đảm bảo an toàn cho cộng đồng, công ty đã cho làm việc online để hạn chế tiếp xúc. Dù làm việc online, nhưng các thành viên vẫn thường xuyên trao đổi công việc cũng như hoàn thành công việc theo kế hoạch”, anh Cường nói và cho rằng, thời đại công nghệ số, công việc có thể giải quyết nhiều cách chứ không nhất thiết phải làm việc trực tiếp. Được làm việc online khiến cho cả nhân viên, khách hàng đều yên tâm.

Mô hình văn phòng làm việc kết hợp (hybrid working) đang nổi lên nhờ sự tiện lợi và phù hợp với nhu cầu làm việc linh hoạt của các doanh nghiệp.

“Làm việc online là cách chúng tôi đảm bảo an toàn, doanh nghiệp giảm chi phí vận hành. Dịch bệnh còn phức tạp, các doanh nghiệp cũng như người lao động buộc phải tìm cách thích ứng với tình hình”, anh Cường chia sẻ.

Theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT, làm việc online kết hợp offline không phải mới sinh ra trong đại dịch, nhưng Covid-19 là yếu tố giúp đẩy nhanh trào lưu này, buộc các công ty muốn tồn tại thì phải thích nghi. Giải pháp công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong mô hình này, giúp nhân viên có thể ở nhà nhưng vẫn làm việc từ xa được.

Một khảo sát về mức độ ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư do FPT và Base.vn thực hiện cho thấy, có 53% doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực phải tạm ngừng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh, hơn 60% trong số đó đã chuyển đổi mô hình kinh doanh khi vận hành từ xa, đảm bảo giãn cách xã hội.

Còn kết quả khảo sát trực tuyến do Anphabe thực hiện hồi cuối năm 2021 với hơn 65.213 người đi làm có kinh nghiệm thuộc 20 ngành nghề ghi nhận, chỉ 40% mong muốn quay lại công sở hoàn toàn, có đến 56% ưu tiên chọn hình thức làm việc kết hợp.

Anphabe đánh giá, hình thức làm việc kết hợp là một xu hướng rõ ràng của tương lai, đặc biệt với các nhóm văn phòng mà tính chất công việc cho phép có thể hoàn thành nhiệm vụ từ mọi nơi.

Chuyển đổi mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa đang trở thành xu hướng tất yếu. Ảnh: Lê Toàn
Chuyển đổi mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa đang trở thành xu hướng tất yếu. Ảnh: Lê Toàn

Văn phòng làm việc kết hợp lên ngôi

Ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với xu hướng làm việc mới khiến cho các không gian làm việc chung (co-working) – thị trường vốn rất được các thế hệ 8X, 9X ưa chuộng gặp khó.

Trong năm 2021, Savills Việt Nam ghi nhận có 3 dự án co-working mới cung cấp ra thị trường tổng diện tích cho thuê là 4.300 m2 với quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, cũng có 4 dự án đóng cửa với tổng diện tích 2.100 m2. Với lượng cung mới ít ỏi, công suất trung bình toàn thị trường co-working chỉ tăng 7 điểm phần trăm theo năm, giá trung bình được giữ ổn định theo năm ở mức 5,9 triệu đồng/vị trí/tháng.

Trong khi co-working tăng trưởng chậm lại, thì mô hình văn phòng làm việc kết hợp (hybrid working) nổi lên nhờ sự tiện lợi và phù hợp với nhu cầu làm việc linh hoạt của các doanh nghiệp.

Hybrid working là mô hình mà ở đó những nhân viên của một công ty vẫn sử dụng văn phòng của chính mình, do đó mỗi công ty vẫn sẽ giữ nguyên cốt lõi của mình trong công việc, trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhân viên lại có sự lựa chọn linh hoạt làm việc tại nhà vào bất kỳ thời gian nào mà họ cảm thấy phù hợp nhất, hoặc khi người quản lý của họ cảm thấy việc này đem lại hiệu quả làm việc tốt nhất.

Mô hình làm việc kết hợp có thể áp dụng cho nhiều đối tượng hơn, bao gồm cả các công ty của nhóm văn phòng chia sẻ và nhóm công ty văn phòng truyền thống. Các chuyên gia dự đoán, mô hình làm việc kết hợp sẽ được áp dụng và triển khai nhanh hơn nhiều so với văn phòng chia sẻ.

Ông Daan Van Rossum, CEO chuỗi văn phòng cho thuê Dreamplex cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp nhận thấy nhân viên có thể hoàn thành công việc hiệu quả dù làm việc ở nhà hay ở văn phòng, từ đó cân nhắc về nguồn chi phí lớn để thuê văn phòng. Vì thế, giải pháp về một mô hình không gian làm việc linh hoạt hơn, nơi nhân viên có thể làm việc tại nhà, gần nhà hoặc tại văn phòng, tức là có thể “làm việc từ mọi nơi” được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

“Với văn phòng truyền thống, các doanh nghiệp đang trả tiền thuê theo mét vuông, dù nhân viên có đi làm đầy đủ hay không. Chính vì vậy, họ đang tìm kiếm một mô hình ít bàn làm việc hơn, tương đương với ít không gian hơn và chi phí thấp hơn”, CEO Dreamplex chia sẻ.

Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại (Savills Việt Nam)
Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại (Savills Việt Nam)

Trong khi đó, bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại (Savills Việt Nam) cho rằng, vấn đề cốt lõi của việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình linh hoạt chính là việc áp dụng các nền tảng kỹ thuật số. Các cuộc họp mặt trực tiếp có thể chuyển sang họp trực tuyến hoặc kết hợp cả hai, áp dụng các loại hợp đồng điện tử, các hình thức giao việc giữa người quản lý với nhân viên cũng được thực hiện online thông qua các phần mềm được áp dụng riêng cho từng bộ phận hoặc toàn công ty.

Ngoài ra, mô hình văn phòng kết hợp sẽ giúp tiết kiệm diện tích thuê, thời gian làm việc.

“Đại dịch là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi từ mô hình làm việc truyền thống sang mô hình kết hợp. Mô hình làm việc này chắc chắn sẽ là một xu hướng tuy mới mẻ nhưng tất yếu trong thời gian tới”, bà Hồng An dự báo.

Nguồn: Báo Đầu tư

Đánh giá BĐS này

  • Chất lượng
  • Giá
  • Dịch vụ
Mục Lục