GS-TSKH. Đặng Hùng Võ: Vẫn cần xác lập đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Mới đây, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông cho biết, vẫn cần phải khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa PV và GS-TSKH. Đặng Hùng Võ:

PV: Kể từ năm 2003 đến nay, cứ sau mỗi 10 năm, Luật Đất đai lại sửa đổi một lần. Mỗi lần sửa đổi Luật Đất đai, ông thấy nội dung nào được tranh luận nhiều nhất?

Theo dõi việc sửa đổi Luật Đất đai mấy chục năm qua, tôi thấy, cứ mỗi lần sửa đổi đều có vô vàn ý kiến ồn ào cho rằng “cứ phải cho sở hữu tư nhân về đất đai thì mới ổn, mới phù hợp với thời đại, với thông lệ quốc tế, nếu không thì không phát triển được…”. Tôi cho rằng, cách tiếp cận này không phù hợp với lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt Nam và hoàn cảnh kinh tế – xã hội ngày nay.

Nếu tiếp tục khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, thì Nhà nước vẫn quản lý khá hiệu quả tài nguyên đất, vì Luật Đất đai cũng quy định, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư…, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Người sử dụng đất được pháp luật thừa nhận các quyền như đối với các loại tài sản thuộc sở hữu tư nhân khác theo quy định của pháp luật, như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế, thế chấp, cho thuê…

GS-TSKH. Đặng Hùng Võ

Tóm lại, dù đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng chỉ người có quyền sử dụng đất hợp pháp mới được thực hiện đủ 3 quyền năng đối với tài sản là đất đai, bao gồm chiếm hữu, định đoạt, sử dụng và hưởng lợi. Vì vậy, không nhất thiết phải đổi từ sở hữu toàn dân sang đa sở hữu và chấp nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai.

PV: Vậy tại sao không thừa nhận đất đai là tài sản thuộc sở hữu tư nhân như nhiều quốc gia khác?

Quan điểm tư nhân hóa đất đai nhìn đất đai như tất cả các loại tài sản thông thường khác, trong khi sở hữu đất đai có đặc thù riêng. Bất động sản khác với các loại tài sản khác là có sự chia sẻ quyền giữa Nhà nước, cộng đồng và người nắm giữ đất. Không có sở hữu công hoàn toàn và không có sở hữu tư hoàn toàn đối với đất đai.

Người sử dụng đất có quyền rào lại mảnh đất để sử dụng và thu lợi từ quyền sử dụng đất, nhưng diện tích đất đó không thể tách rời kết cấu hạ tầng xung quanh như hệ thống điện, nước sinh hoạt, xử lý nước thải, giao thông… “Chủ đất” không có quyền muốn làm gì thì làm trong mảnh đất của mình, mà phải làm theo quy hoạch, kế hoạch, vì ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư địa phương nên người dân địa phương có quyền “địa dịch” (quyền đối với bất động sản liền kề).

Ngay như ở Hoa Kỳ hay các nước phát triển, đất đai được gọi là tài sản tư nhân, nhưng các “địa chủ” không có quyền muốn làm gì thì làm, mà phải theo quy hoạch của chính quyền, chịu sự giám sát của cộng đồng dân cư và cũng không có quyền chiếm hữu vì mảnh đất đó là một phần bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia.

PV: Trên thế giới chỉ có khoảng 10 quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận quyền sở hữu công về đất đai (sở hữu toàn dân), còn lại chấp nhận đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân. Vậy lần sửa đổi Luật Đất đai này có nên chấp nhận đa sở hữu?

Mỗi quốc gia có hoàn cảnh lịch sử khác nhau, không thể lấy quy định của quốc gia này, thậm chí là thông lệ quốc tế, áp dụng vào được, vì không ai thay đổi được lịch sử. Ở Hoa Kỳ, Australia, New Zealand…, trong lịch sử, người dân châu Âu đến khai phá và xác nhận quyền sở hữu đất đai trước khi các quốc gia này được thành lập, nên người ta thừa nhận đất đai thuộc sở hữu tư nhân.

Còn lịch sử Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, ông cha đã phải bỏ biết bao nhiêu xương máu vừa “mang gươm đi mở cõi”, vừa bảo vệ từng tấc đất, chứ không có cá nhân nào đi khai thiên lập ấp xác nhận chủ quyền trên bất cứ mảnh đất nào, dù là nhỏ nhất.

Vì vậy, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý, đồng thời trao đầy đủ quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo… như hiện nay là phù hợp và tôi thấy cũng không có gì vướng mắc ở điểm này.

Hơn nữa, nếu sửa đổi chỉ một câu về sở hữu thôi, cũng sẽ rất phiền phức. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định, đất đai là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, nếu đa sở hữu đất đai thì phải sửa Hiến pháp, mất rất nhiều thời gian, công sức và sẽ phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật hiện hành, vô cùng phức tạp.

Ngoài ra, việc coi đất đai là sở hữu toàn dân cũng không có gì vướng mắc, vì Hiến pháp đã quy định, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ và người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng.

Luật

PV: Chỉ không sửa quy định về sở hữu đất đai, còn sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Đất đai hiện hành đã xuất hiện rất nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ để khai thác tối đa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới, thưa ông.

Đúng vậy. Chẳng hạn, Hiến pháp và Luật Đất đai xác lập đất đai là tài sản công (đất công), nhưng chưa hề có khái niệm, định nghĩa thế nào là “đất công”, thế nào là “đất tư”, nên đã hạn chế thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Hay Luật Đất đai trao quá nhiều quyền hành cho chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện theo kiểu “vừa cho họ đá bóng, vừa cho họ thổi còi” đã dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham ô, tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc không luật hoá quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trong quản lý đất đai đã dẫn tới sử dụng đất đai lãng phí. Và còn rất nhiều quy định nữa cần phải sửa đổi.

Nguồn: Báo Pháp luật

__________________________________________________________________________________________

Nếu bạn vẫn còn những lo lắng khi phải tự mình làm những thủ tục pháp lý, bạn có thể tìm đến các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp. 2Cs-chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản xin giới thiệu đến bạn những dịch vụ pháp lý liên quan như:

  1. Mua bán chuyển nhượng chung cư, nhà đất , đất đai (quy trình, thủ tục, chi phí)
  2. Sang tên sổ đỏ nhà – đất
  3. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất
  4. Thừa kế nhà – đất
  5. Xin phép xây dựng

Và một số dịch vụ pháp lý khác.

CÔNG TY TNHH BẤT ĐỘNG SẢN 2CS

Chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0316152496
Ngày cấp: 21/02/2020
Nơi cấp: Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM

  • Hotline: 08.1234.1186
  • Mail: hotro@2cs.vn
  • Địa chỉ: Số 21 Đường N, KP Ích Thạnh, P. Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TP. HCM
  • Văn phòng Long An: ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Chỉ đường

Hướng dẫn tạo tài khoản và đăng tin bất động sản: Xem video!

Tải app 2Cs dành cho Android: Tại đây!

Xem thêm: